Đi du học tại Úc, tốt nghiệp và trở về nước phát hành liên tiếp 2 album nhạc trẻ vào 2 năm 2005 và 2006, nhưng sau đó vì công việc gia đình Đình Trí lại trở sang Úc…Mãi đến gần 3 năm sau, Đình Trí mới tái xuất hiện tại Việt Nam bằng một album mới Đừng nói xa nhau – một album nhạc trữ tình đầy chất lãng mạn. Và ước mơ của anh chàng là con trai của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Lệ Thủy này không chỉ dừng lại ở đó…

Điều gì đã khiến Đình Trí chuyển tông từ nhạc trẻ sang nhạc trữ tình như vậy, trong khi điểm khởi đầu của mình là nhạc trẻ?
Khoảng thời gian tạm rời xa sân khấu trong nước gần 3 năm qua là khoảng thời gian mà Trí nghiệm ra được rất nhiều điều. Thật ra Trí chưa bao giờ từ bỏ các ca khúc nhạc trẻ cả, mà lí do là trong những chuyến lưu diễn nước ngoài, khi vô tình Trí hát những ca khúc trữ tình thì được khán giả ủng hộ rất nhiệt tình. Thế là tự dưng nảy ra ý định tại sao mình không thử sức với dòng nhạc này. Bỏ ra gần 1 năm để thu âm âm gần 40 ca khúc và liên khúc, đến cuối cùng mới chọn ra được 13 track nhạc đưa vào album Đừng nói xa nhau. Dù album gồm những ca khúc đã quá nổi tiếng trong lòng khán giả suốt nhiều năm qua: Phượng buồn, Đà Lạt hoàng hôn, Ngại ngùng, Sao em nỡ đành quên, Chuyện ba mùa mưa…song Trí không ngại vì mình hát với một sự trẻ trung và lãng mạn của một người trẻ tuổi. Không bi lụy cũng không sầu não…
Phát hành 3 album rồi, với Đình Trí con đường âm nhạc của mình hiện nay có thể hình dung ra sao?
Trí vẫn đang yêu thích và đam mê còn nhiều hơn so với những ngày mới bắt đầu. Từ bỏ công việc của một kế toán viên (là ngành mà Trí học ở Úc), một công việc mà thu nhập cao và ổn định, để đi làm ca sĩ là cả một lựa chọn khó khăn với Trí. Nhưng một khi đã quyết tâm rồi thì không cò gì phải sợ nữa. Nghệ thuật là con đường dài mình phải đi mới biết mai này sẽ ra sao, rất khó dự đoán được…Trước mắt Trí sẽ sang Mỹ lưu diễn khoảng 1 tháng. Sau đó trở về lại VN và phát hành một album CD-DVD nhạc trẻ với phần hình ảnh được quay hoàn toàn tại Úc. Và tiếp đó Trí tiếp tục đứng ra tổ chức chương trình ca nhạc Bước chân hai thế hệ lần 3…
Nhân tiện nhắc đến chương trình Bước chân hai thế hệ, muốn hỏi Trí làm một ca sĩ vất vả còn không đủ hay sao mà Trí còn đứng ra cáng đáng cả một chương trình âm nhạc lớn như vậy?
Mục tiêu của Trí khi tổ chức chương trình Bước chân hai thế hệ là để khán giả có cơ hội được xem nhiều thế hệ nghệ sĩ cùng đứng trên sân khấu trình diễn từ ca nhạc cho đến cải lương, tấu hài…Chương trình vừa là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ đàn anh đàn chị, đồng thời là dịp để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội trình diễn trước khán giả của mình nhiều hơn. Hướng đến khán giả phổ thông, đó chính là điều mà Trí mong muốn khi tổ chức chương trình. Với giá vé rẻ nhưng khán giả có thể gặp gỡ rất nhiều ngôi sao, danh hài và các gương mặt mới trong nhiều lãnh vực hoạt động nghệ thuật nữa…
Hỏi thật Đình Trí một điều này, đầu tư cho nghệ thuật nhiều đến vậy, khả năng thu hồi vốn của Đình Trí sẽ như thế nào?
Rõ ràng là chuyện lời hay lỗ là một bài toán nan giải với bất kì ai làm nghệ thuật. Ở cương vị ca sĩ, có thể nói Trí là người lo lắng hầu như hết tất cả mọi khâu trong album, nên chi phí mình bỏ ra không cao như những ca sĩ khác. Còn những live show mà Trí thực hiện thì đa số đều huề vốn và lời được chút ít, vì không chỉ bán vé mà chương trình còn bán độc quyền phần hình ảnh cho một công ty khác để họ kinh doanh DVD…Nhưng nói gì thì nói, Trí cũng được sự ủng hộ rất lớn từ mẹ đó là điều không chối cãi. Những bước đi ban đầu bao giờ cũng khó khăn, chính vì vậy đến một lúc nào đó Trí tự tin rằng mình sẽ có được một vị trí nhất định trong làng nhạc Việt…
Đến lúc này Dương Đình Trí đã được và mất những gì với lựa chọn làm ca sĩ?
Được nhiều hơn mất chứ. Nếu là một nhân viên kế toán, có lẽ công việc của Trí sẽ lặng lẽ ngày 8 tiếng hoặc hơn một chút, bình lặng và ít sóng gió…Nhưng bước chân vào nghề này mới thấy khó khăn phải đối mặt từng ngày, nhưng cũng chính điều đó rèn luyện cho mình bản lĩnh nhiều hơn, trưởng thành hơn…Mình không được phép chậm chạp, nếu không sẽ bị người khác bỏ lại phía sau. Và trên hết đó là đam mê được đứng trên sân khấu, có được những khán giả chia sẻ được với âm nhạc của mình. Đam mê nào cũng có cái giá của nó, vấn đề là mình biết rõ mình đang mong muốn và hài lòng với lựa chọn của mình ở mức độ nào mà thôi.